Văn bản mới 2016 có “cải cách” TTCK Việt Nam?

Từ ngày 1/1/2016, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán đã chính thức có hiệu lực: Những điểm mới đáng lưu ý như là: Yêu cầu DN phải CBTT báo cáo phát triển bền vững: Tuy nhiên, RiskInfo cho rằng nội dung này sẽ không được đa doanh nghiệp chú trọng, có thể làm mang tính thủ tục, rất ít doanh nghiệp có thể làm đầy đủ nội dung như mong muốn của quy định; Thời hạn công bố báo cáo tài chính hàng Quý, bán niên bị rút ngắn 25 ngày, ngay lập tức hàng loạt các doanh nghiệp đã phải thực hiện gửi công văn lên UBCK xin gia hạn thời gian về việc thực hiện công bố báo cáo tài chính với lý do không đủ thời gian để hoàn thành các báo cáo hợp nhất. Như vậy, có thể nói rằng điểm này là điểm tích cực nhưng bất cập; Thực hiện công bố thông tin bằng tiếng việt và tiếng anh mới dừng ở bắt buộc HOSE và VSD, các doanh nghiệp chỉ mang tính khuyến khích.

Thông tư 180/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 13/11/2015 có hiệu lực 1.1.2016, quy định tất cả các doanh nghiệp đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM trong vòng một năm kể từ ngày 01/01/2016. Bên cạnh đó, đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 01/01/2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCOM.

VSD hướng dẫn triển khai rút ngắn thời gian thanh toán T+2 kể từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, về mặt hình thức không khác T+3 vì chứng khoán về vào 4h chiều T +2. Ngoại trừ điểm lợi thế của quy định này là tiền về sớm hơn 1 ngày.

Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2015. Điểm nổi bật của quy định này là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Tuy nhiên, nghị định này vẫn còn nhiều vướng mắc, cơ quan chức năng đã công bố về việc nghị định này sẽ được thông suốt năm 2016. Các doanh nghiệp muốn nới room lên 100% gần như sẽ phải rút bớt ngành nghề đăng ký kinh doanh trên giấy đăng ký doanh nghiệp.

Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở GDCK có hiệu lực từ ngày 1/3/2016.

Thông tư 203/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 1/7/2016 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC: Điểm nổi bật của thông tư này nhà đầu tư sẽ được bán chứng khoán chờ về, cùng mua bán một loại chứng khoán trong ngày sẽ là bước đột phá để tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán Việt Nam.