Cả doanh nghiệp lớn và bé đều thích tạo lợi nhuận ảo và sẵn sàng nộp thuế thu nhập hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Vào thời kỳ năm 2009 xuất hiện hiện tượng lợi nhuận đột biến do định giá lại tài sản, hay mua bán sáp nhập doanh nghiệp với giá mua rẻ hơn so với giá trị được định giá tạo ra một khoản lợi nhuận từ lợi thế thương mại. Trường hợp điển hình ở thời điểm dó là của GMD, KDC. Hiện tượng này gần như không còn xuất hiện những năm sau đó có lẽ một phần doanh nghiệp đã nhận ra mặt trái của nó. Tuy nhiên, chiêu bài này thỉnh thoảng vẫn lặp lại bởi những công ty mới lên sàn có phần “hiếu thắng để rồi sẽ thất bại”.
Trên thực tế việc một công ty A mua công ty B với giá rẻ hơn giá trị được một tổ chức độc lập định giá cho công ty B, được kiểm toán của công ty A chấp nhận thì công ty A sẽ ghi nhận một khoản lợi nhuận bằng đúng chênh lệnh giá mua và giá trị được định giá. Tuy nhiên, rõ ràng lợi nhuận này chỉ mang tính chất mô phỏng giá trị doanh nghiệp trên báo cáo khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Khoản lợi nhuận này rõ ràng không phải là một khoản tiền thật.
Trường hợp của Hoàng Huy khi mới lên sàn lại diễn lại bài này. Cụt thể, Quý 1/2015 ghi nhận gần 120 tỷ đồng lợi nhuận do lợi thế thương mại từ việc mua rẻ công ty Hoàng Giang thì đây cũng chỉ khoản tiền lợi nhuận ảo, không tạo ra dòng tiền thật . Mặt trái của nó là khoản lợi nhuận ảo này sẽ phải phân bổ dần vào chi phí khi lập báo cáo hợp nhất cho các năm tiếp theo. (Đây gọi là hiện tượng “ăn” trước lãi).
Để có cái nhìn thực tế, lợi ích thực sự thuộc về cổ đông chỉ được xem xét trên lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất chỉ mang tính chất mô phỏng giá trị tương lai, nó thực sự được hiện thực hóa khi các công ty con trả cổ tức cho công ty mẹ, còn lợi nhuận do lợi thế thương mại đem đến nó mãi mãi nằm trên báo cáo tài chính hợp nhất và chỉ là một con số làm đẹp báo cáo tài chính mà không ai được hưởng lợi thực sự.
HHS chưa thể đại diện cho một doanh nghiệp phát triển bền vững, bởi vì HHS chỉ là đơn vị trung gian nhập khẩu hàng hóa, ở một thời điểm nhất định nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng, làm cho lợi nhuận tăng. Tuy nhiên không thể chọn là ngành tăng trưởng bền vững nếu như không phải do tự sản xuất.
Một trong những cách khác để tạo ra lợi nhuận ảo: nhiều doanh nghiệp sẽ đem bán CHỊU những danh mục đầu tư không đem lại hiệu quả với giá cao cho những doanh nghiệp có liên quan “ là doanh nghiệp tuy không liên quan về mặt pháp lý, nhưng có thể liên quan ngầm về quản lý”. Có những doanh nghiệp vì thương hiệu “toàn cầu” có thể nhờ đối tác “thân quen” mua hộ cả một tòa nhà . Một doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng vẽ ra lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng từ các hoạt động không liên quan bất động sản để rồi cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá.
Chiêu trò lộ liễu nhất đã xảy ra trên TTCK Việt Nam, một doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực hạ tầng lập ra một công ty con ngày hôm nay, ngay ngày mai đã bán luôn cho đối tác nước ngoài, lãi ngay 150 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của công ty này đã giải thích rằng: Công ty mới thành lập sẽ được sở hữu những dự án có giá trị do công ty mẹ chuyển sang.
Vậy dòng tiền của việc mua bán trên sẽ chạy như nào? Công ty thu xếp được tiền mặt sẽ chuyển qua đối tác để đối tác mua hộ sản phẩm của công ty mình, tạo ra doanh thu. Công ty thu được tiền lại phải chuyển trả về vị trí ban đầu bằng cách đi đầu tư danh mục khác. Công ty nào nhỏ không thu xếp được dòng tiền thì cứ để dòng tiền âm trên bảng lưu chuyển tiền tệ và phải thu của khách hàng. Vấn này thực sự sẽ tạo nên một áp lực ngầm của doanh nghiệp mà mãi mãi cổ đông không bao giờ nhìn thấy.
Doanh Thu – Lợi nhuận ảo có thể gọi là “đặc sản” của TTCK Việt Nam, là một loại rủi ro vì lợi nhuận to.