Đầu tư đa ngành là một trong những nguyên nhân chính làm cho các tập đoàn lớn nhanh chóng tích lũy được “Nợ khủng”, ngoài ra tận dụng mọi cơ hội để sống bằng tiền của Ngân hàng cũng có thể nói đó mục tiêu của những ông lớn. Những điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến tình trạng không trả được Nợ khi đến hạn trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước đã ban hành một số thông tư để giúp các doanh nghiệp và các ngân hàng có thể thực hiện cơ cấu lại nợ, gia hạn các khoản nợ đến hạn. Quá trình cơ cấu nợ đã diễn ra rất mạnh mẽ trong vòng 2 năm trở lại đây, dường như nó không bộc lộ rõ nét đó là một loại rủi ro trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Năm 2015, rủi ro này đã thực sự xuất hiện khi một trong những doanh nghiệp niêm yết có dư nợ vài chục nghìn tỷ, nợ đến hạn hơn chục ngàn tỷ. Trong khi đó tổng doanh thu của năm chỉ đạt khoảng 5 ngàn tỷ, dòng tiền chuyển cho các công ty liên quan lên tới 10 ngàn tỷ, lưu chuyển dòng tiền của doanh nghiệp trong năm tập trung vào hoạt động đi vay và cho vay. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm gần 70% trong năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán ròng, giảm tỷ lệ sở hữu nhanh chóng từ 25% xuống còn khoảng 13% (mặc dù EPS ước tính của doanh nghiệp thể hiện trên Báo cáo tài chính vẫn đạt mức gần 1.500 đồng/cổ phiếu).
Quan điểm của RiskInfo.vn thấy rằng, “Nợ khủng” thật sự là một rủi ro đã chính thức được châm ngòi trên thị trường tài chính, việc kiểm tra, kiểm soát, thanh tra của các cơ quan chức năng là một việc hết sức bình thường, không đáng ngại. Nếu không có thanh tra, kiểm soát của cơ quan chức năng để giảm thiểu rủi ro mới là việc đáng ngại. Việc có giải quyết được bài toán Nợ khủng mới là việc nhà đầu tư nên quan tâm và cho đến khi giải quyết được bài toán Nợ khủng thì giải pháp tốt nhất cho nhà đầu tư là đứng ngoài quan sát.
RiskInfo.vn