KBC là cổ phiếu có quá trình tái cấu trúc và tăng trưởng trở lại khá thành công trên TTCK Việt Nam.

Cũng như nhiều Tập đoàn lớn khác, giai đoạn từ năm 2008 – 2010 do tiếp cận được với nguồn vốn kích cầu năm 2009, KBC đã phát hành hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2009. Nhiều danh mục đầu tư hầu như chưa mang lại lợi nhuận cho KBC thì sự kiện “Bầu Kiên bị bắt tháng 8/2012 gây nên  những bất ổn rất lớn trên TTCK và thị trường tài chính của Việt Nam”  khiến giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, không tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, kết quả kinh doanh thua lỗ lớn. KBC cũng  đã bị ảnh hưởng lớn từ sự kiện này, cổ phiếu KBC xuống thấp nhất là 4.800 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức lỗ khủng nhất sau 10 năm hoạt động là 487,76 tỷ đồng.

Vào thời điểm 2013, Chủ tịch HĐQT của KBC – Ông Đặng Thành Tâm đã chia sẻ với truyền thông về mong ước được trở về ngày xưa “Ngày xưa làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài sa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo – Ông Đặng Thành Tâm nói với báo chí”.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2013 KBC đã vượt qua những khó khăn nhất nhờ sự kiện: “Đưa KCN Tràng Duệ Hải Phòng trở thành một phần của khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, thu hút thành công tập đoàn LG sau nhiều năm đàm phán.”

KBC được xem là cổ phiếu có diễn biến tương đồng với xu hướng phát triển của nền kinh tế, bị ảnh bởi các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam, tình hình chính trị trong nước, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, mọi diễn biến trên thị trường tài chính (lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tỷ giá, v,v,). Những yếu tố này cũng được xem là nguyên nhân gây ra những rủi ro cho KBC.  

Sau khi vượt qua những khó khăn nhất, năm 2014 KBC đối mặt với khoản nợ đến hạn khoảng 3000 tỷ đồng. KBC đã tái cấu trúc thành công khoản nợ này, kéo dài thời gian trả các khoản nợ  đến năm 2017. Đến nay, dư nợ của KBC đã giảm rất nhanh, dư nợ vay Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại Công ty mẹ ước tính còn 1.200 tỷ (trong đó vay mới trong năm 2015 – T6/2016 tăng 42 tỷ đồng); Dư nợ vay của Tổng công ty (hợp nhất) hiện tại ước tính trên 2.100 tỷ đồng (trong đó dư nợ vay mới trong năm 2015 –T6/2016 ước tính gần 500 tỷ đồng).

Đồng thời với quá trình tái cấu trúc nợ, KBC đã cơ bản hành thành thoái vốn các danh mục đầu tư ngoài ngành. Hiện nay trên BCTC của KBC chỉ còn khoản đầu tư ngoài ngành là mảng khoáng sản mã cổ phiếu SQC có tổng giá trị 339 tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư kinh doanh ở mảng kinh doanh KCN của KBC có tốc độ tăng trưởng khá tốt kể từ năm 2014, trung bình trong năm 2014 – 2015 KBC bán được khoảng 80ha đất, 5 -10 căn nhà xưởng. Kể từ cuối năm 2015, các quỹ đầu tư lớn trên TTCK đặc biệt chú ý đến KBC với kỳ vọng TPP. Tuy nhiên, mặc dù những doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP đang “chờ đầu tư” vào Việt Nam, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng tốc, ví dụ mới đây “Tập đoàn JA SOLAR đã quyết định thuê 88ha tại KCN Quang Châu của KBC, hợp đồng này sẽ đem lại cho KBC hơn 1.000 tỷ đồng”.

Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng 6 tháng cuối năm 2016 và những năm tới, tốc độ thu hút FDI vào Việt Nam sẽ theo xu hướng tăng trưởng tốt, KBC sẽ là mã cổ phiếu hưởng lợi nhất từ dòng vốn này. Những thương vụ 1.000 tỷ đồng có thể sẽ tiếp tục đến với KBC, khả năng xóa hoàn toàn khoản nợ cũ vào 2017 ước tính hơn 1.000 tỷ đồng tại Công ty mẹ sẽ thành công.

Như vậy, trong ngắn hạn (dưới 1 năm), KBC có thể có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực, khi mà dư nợ cũ giảm mạnh, dư nợ mới (nếu có) sẽ được quản lý tốt hơn, những thương vụ hợp đồng lớn có thể xuất hiện, thu hút đầu tư KCN điển hình như Quế Võ, Quang Châu, Tràng Duệ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải phòng sẽ là những KCN đem lại dòng tiền lớn cho KBC trong 1, 2 năm tới.

Với quỹ đất khá lớn ước tính 4.500ha, trong đó quỹ đất sạch đạt trên 70% cũng là lợi thế của KBC. Tuy nhiên, tại KCN Tràng Duệ –  Hải Phòng KBC đang tích cực để mở rộng giai đoạn 3 do KCN Tràng Duệ giai đoạn 2 sau 1,5 năm phát triển đã lấp đầy khoảng 60%. Chúng tôi được biết ở Việt Nam khi một KCN có tốc độ thu hút tốt thì khả năng được mở rộng tăng quy mô quỹ đất khá thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi dự đoán KBC cũng sẽ đi theo hướng tập trung thu hút vào KCN đang phát triển và mở rộng thêm tại chính các KCN này, đồng thời chờ thời cơ thuận lợi để thu hút vào các KCN chưa phát triển. Ví dụ khi các doanh nghiệp được hưởng lợi từ TPP có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam thì khả năng thu hút vào các KCN ở miền trung của KBC có thể sẽ thành công.

RiskInfo quan sát và đánh giá KBC là một Tập đoàn đã thực hiện quá trình tái cấu mạnh mẽ, và tăng trưởng khá bền vững trên TTCK Việt Nam.

Logo-KBC