Khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2007 khiến chỉ số VNIndex lao dốc từ 1171 điểm xuống mức thấp nhất 236 điểm vào tháng 2 năm 2009, nhưng khi đó nỗi sợ của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam không bộc lộ rõ nét như những nỗi sợ trong một số năm gần đây.
Nhà đầu tư sợ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt. Sự kiện Bầu Kiên bị bắt 20/8/2012 khiến thị trường bốc hơi mạnh nhất và có sức ảnh hưởng hầu hết các mã cổ phiếu. Tuy nhiên, sau này các nhân vật bị bắt chỉ ảnh hưởng riêng lẻ đến cổ phiếu có liên quan như chủ tịch (OGC), chủ tịch JVC. Bên cạnh đó, tin đồn chính xác về bắt bớ cũng gây không ít thiệt hại trên TTCK Việt Nam.
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 tiến vào Biển Đông đã khiến VNIndex có phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử gần 33 điểm. Sau này, căng thẳng trên Biển đông thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhưng dường như không còn là cái cớ để VNIndex hoảng loạn.
Sau sự kiện Biển đông, VNIndex lại bị vùi dập bởi giá dầu lao dốc kéo dài suốt từ tháng 12/2014 cho đến bây giờ tháng 1/2016). Các cổ phiếu dầu khí có 03 nhịp bật lại, tăng khoảng 16% đến 19%. Nhịp bật gần nhất vào 22/1/2016 khi giá dầu rơi xuống mức 26$/thùng và bật lại đỉnh gần nhất 34$/thùng, làm cho thị trường toàn cầu tăng trở lại, các cổ phiếu dầu khí bật tăng trở lại 20%.
Ngoài ra, sự biến động tỷ giá cũng là nỗi sợ trên TTCK Việt Nam. Nỗi sợ phía trước trong 2016 này nhà đầu tư đang chờ có thể kể đến sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chứng khoán toàn cầu và Việt Nam; Nỗi sợ về giá dầu có thể giảm về 20$ trong thời gian tới; Chính phủ Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá 2% – 3%.
Theo quan điểm của RiskInfo.vn, Thị trường tài chính Việt Nam có một đặc thù luôn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tiêu cực của thế giới, nhưng nhiều khi không ảnh hưởng bởi những yếu tố tích cực. Bên cạnh đó nỗi sợ đáng quan ngại nhất ở Việt Nam cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đó là các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt.