Những con số mô tả nền kinh tế Việt Nam hiện tại

Ở Việt Nam số người dân quan tâm đến nợ công, thu chi ngân sách của quốc gia gần như là thiểu số. Đây là nguyên nhân khi kinh tế biểu hiện khó khăn như lạm phát tăng, lãi suất tăng, giá cả hàng hóa cơ bản như vàng, xăng dầu tăng đều khiến người dân ngỡ ngàng. Những con số dưới đây mô tả khái quát bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại. 

  • GDP

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. “Đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung là khu vực công nghiệpxây dựng. Khu vực này đóng góp 3,20 điểm phần trăm khi tăng 9,64% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,42% của năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%); ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ  năm 2010

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng/năm , tương đương 2.109 USD/năm, tăng 57 USD so với năm 2014, kém GDP bình quân đầu người của thế giới 8.000 USD/người.

  • CPI

Chỉ số CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra, mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua (kể từ năm 2006).

  • Thu chi Ngân sách

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Tổng chi NSNN đạt 1.262,87 nghìn tỷ đồng, tăng 116,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Bội chi NSNN là 256.000 tỷ đồng, ước tính 6,11% GDP. Trong đó, chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến 2016 -2020 thu NSNN không tăng đột biến, trong khi nhu cầu chi NSNN phải tăng lớn để trả các khoản nợ đến hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, vì vậy cân đối NSNN tiếp tục phải bội chi.

Dự chi ngân sách NSNN năm 2016: Chi đầu tư phát triển dự kiến 254.950 tỷ đồng; Chi thường xuyên dự đạt 824.000 tỷ đồng; Chi trả nợ, viện trợ, mức dự toán là 155.100 tỷ đồng, trong đó đảm bảo trả đủ nợ gốc và lãi vay nước ngoài đến hạn. Còn với nợ nội địa, mức chi chỉ ưu tiên trả hết lãi và một phần nợ gốc, nhằm giảm mức vay đảo nợ.

Để bù đắp bội chi NSNN đầu tháng 3/2016 Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay, với xăng sẽ tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; Thuế môn bài tăng gấp 3 lần so với hiện hành. Theo báo cáo “Doing Bussiness 2016” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tổ chức này tính toán, doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác. Đây được cho là mức đóng góp quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.

  • Nợ Công

Dư nợ công cuối năm 2015 đạt 62,2%GDP (150 tỷ USD), nợ Chính phủ khoảng 50,3 %GDP (vượt trần cho phép là 50% GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 43,1%GDP, ước tính mỗi một người dân gánh 1.300 USD nợ công. Nợ đến hạn phải trả năm 2016 ước tính 16 tỷ USD.

Dự báo nhu cầu vốn vay cho ngân sách nhà nước (chưa bao gồm vay về cho vay lại) giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 2.265 nghìn tỷ đồng, bình quân 450 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2020 khoảng 540 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số rất khó thực hiện.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách (bao gồm cả trả nợ gốc và lãi) vượt ngưỡng cho phép (25%) trong các năm 2019 (25,9%) và 2020 (25,8%). Nếu tính cả vay đảo nợ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng cho phép trong các năm 2018- 2020, trong đó cao nhất vào năm 2019 (29,4%).

“Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra là đến 2020 nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP”

  • Đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 ước đạt 1.367.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP.

  • Thu hút FDI

Năm 2015 Việt Nam đã thu hút được 2.013 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký mới tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014, tổng số vốn FDI giải ngân là 14,5 tỷ USD, tăng 17,4 % so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 12,4%; ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 10,2 %.

  • Huy động vốn

Thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước có quy mô nhỏ, thanh khoản thấp không đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho Ngân sách.

Năm 2015 Kho bạc Nhà nước đã huy động 202.027,6 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ, đạt 81% kế hoạch. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ động huy động tối đa từ các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, như: tạm ứng từ nguồn tồn ngân kho bạc (25.000 tỷ đồng), vay Bảo hiểm Xã hội (46.000 tỷ đồng) để đảm bảo nguồn cân đối ngân sách nhà nước và nhu cầu chi đầu tư phát triển theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA ngày càng giảm dần, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và giải ngân nguồn vốn ODA nhằm tận dụng tối đa nguồn lực này cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân năm 2015 đạt 4,6 tỷ USD, bằng 81,3% năm 2014, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 5 tỷ USD.

Chính phủ Việt Nam đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD để đảo nợ.

  • Tỷ giá, giá vàng và lãi suất

Việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng Việt Nam (VNĐ) và kích thích xuất khẩu. Năm 2016 một số chuyên gia kinh tế dự báo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3% đến 5%.

Lần đầu tiên giá vàng trong nước có khoảng cách chênh lệch không đáng kể so với giá vàng thế giới.

Lãi suất huy động hiện nay của các tổ chức tín dụng 12 tháng giao động từ 6%/năm – 8%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 9% – 11%. Trong đó, đối với lĩnh vực bất động sản là phải chịu mức lãi suất cho vay cao nhất.

 

RiskInfo.vn Tổng hợp