Giới đầu cơ trên TTCK Việt Nam hình như “không” nhìn thấy rủi ro nào trong tháng “Sell in May 2016”

Mặc dù kết quả kinh doanh Quý 1/2016 đã được công bố, số doanh nghiệp đạt lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ là không đáng kể. Thông tin mới hỗ trợ thị trường gần như không có.Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đang rất lạc quan, kỳ vọng vào một “tháng 5 năm nay sẽ khác”.

Trong lạc quan thì ngay cả những thông tin “xa vời” đều có thể trở lên quan trọng và ý nghĩa, ví dụ như: “Tân Thủ tướng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp”; Tổng thống Mỹ Obama sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 5 này. Thậm chí giới đầu cơ còn cho rằng TTCK Việt Nam ít nhất sẽ không giảm cho đến khi Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Cho dù lý do này nghe có vẻ “trẻ con” nhưng ở TTCK Việt Nam nó vẫn có thể được xem như một cái cớ có lý.

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhờ xu thế tăng giá mạnh của các hàng hóa cơ bản như dầu mỏ, cao su, sắt thép, đường, v.v đã giúp các TTCK tăng mạnh, trong đó có TTCK Việt Nam. Do vậy, TTCK Việt Nam đã phục hồi rõ nét với 02 nhịp tăng, 01 nhịp giảm.Từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 3 thị trường đã có nhịp tăng 513 điểm -580 điểm, thị trường điều chỉnh xuống 550 điểm vào đầu tháng 4 và tăng vượt mốc tâm lý 600 điểm vào ngày 5/5/2016.

RiskInfo.vn  thấy rằng Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thảm họa thiên nhiên như hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ô nhiễm môi trưởng biển có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài dẫn đến giá cả lương thực, thực phẩm có thể tăng giá trong thời gian sắp tới, ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát. Các chính sách cải cách phát triển TTCK chưa có gì mới, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn phải đối mặt với bài toán xử lý nợ xấu. Một số doanh nghiệp có lợi nhuận đột biết trong Quý 1 có thể là do giá vốn hàng tồn kho có chi phí thấp, nhờ giá cả thị trường hàng hóa tăng mạnh trở lại làm cho lợi nhuận ròng tăng cao. Đây chỉ là yếu tố tích cực trong ngắn hạn. Mặc dù đây là những vấn đề ảnh hưởng đến TTCK trong dài hạn, nhưng là mốc để biết TTCK cần có một điểm dừng khi thị trường vượt qua khỏi ngưỡng giá trị có thể chấp nhận.

Hiện nay TTCK Việt Nam vẫn còn kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trong ngắn hạn có thể do truyền thông chưa nhắc đến con số Margin  tại các Công ty Chứng khoán. Khi nào truyền thông đưa tin về dư nợ margin trên TTCK ở mức độ cao thì có thể TTCK mới chịu quay đầu.

Cập nhật: 13/5/2016 Truyền thông VN đã đưa tin về con số margin cao: “Trong một bản tin trên báo chí thì số nợ Margin thống kê trên 15 CTCK theo BCTC Quý 1 là hơn 21,000 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm quý 1/2015 là 13,000 tỷ đồng cũng như mức sử dụng cao nhất hồi tháng 5/2014 là 27,000 tỷ đồng thì đây có thể coi là một rủi ro rất lớn. Còn nhớ khi sự kiện biển Đông tháng 5/2014, sức tàn phá mà margin gây ra lớn như thế nào. Dù đây chỉ là con số thông kê nhưng mọi người cũng nên cẩn trọng.”