KLS tuyên bố giải thể – hiện tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp chán nản TTCK Việt Nam!

Công ty Cổ phần Chứng Khoán Kim Long (KLS), được thành lập năm 2006, là một Công ty Chứng khoán thời đầu của Việt Nam. KLS được sáng lập bởi những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc tại UBCK Nhà Nước. Tại ĐHĐCĐ 2016 tới đây KLS sẽ chính thức công bố giải thể công ty và ngừng giao dịch cổ phiếu.

Từ một công ty nhỏ vốn điều lệ là 18 tỷ đồng, KLS đã nhanh chóng vươn lên trở thành 1 trong 2 công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường với mức vốn điều lệ đạt 2.025 tỷ đồng. Cổ đông KLS vẫn là người may mắn khi Ban lãnh đạo công ty vẫn giữ được vốn. Lượng tiền mặt lớn của KLS là mơ ước của nhiều công ty chứng khoán khác, nhưng Ban lãnh đạo lại không thể ra quyết định đầu tư vào TTCK. Phải chăng đây là dấu hiệu nhà đầu tư chuyên nghiệp đã chán nản với TTCK Việt Nam?

Theo tâm sự của Chủ tịch HĐQT KLS: “Thị giá cổ phiếu KLS chủ yếu giao dịch ở mức 6.000-7.000 đồng/CP. Trong khi đó, nếu thanh lý toàn bộ tài sản và danh mục đầu tư, với hơn 182 triệu cổ phiếu KLS đang lưu hành, giá trị còn lại được chia của mỗi cổ phiếu ước tính là khoảng 11.000 đồng” . Đây có thể nói là điểm đáng buồn nhất của TTCK Việt Nam nói chung, của cơ quan quản lý TTCK Việt Nam nói riêng. Chỉ cần nhìn chỉ số HNX không thể về được mốc xuất phát 100 điểm trong vòng mấy năm gần đây đủ để nói nên sự yếu kém của TTCK Việt Nam.

Đã từ lâu, KLS nổi tiếng với việc gửi tiền ngân hàng thay vì đầu tư. Phải chăng TTCK Việt Nam thì quá nhỏ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, các tổ chức có lượng tiền lớn không dám đầu tư. Chúng tôi nhận ra rằng, không phải chỉ riêng KLS mà nhiều công tư chứng khoán lớn, mảng tự doanh không phải là mảng đem lại lợi nhuận cho công ty chứng khoán. Điều này có nghĩa là các Công ty chứng khoán không tập trung vào việc đầu tư cổ phiếu. Hiện nay, lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán chủ yếu nhờ hoạt động margin, repo, phí môi giới v.v.

Vậy TTCK Việt Nam đang nằm trong tay ai? Ai sẽ là nhà tạo lập thị trường?