Thời kỳ bùng nổ đầu tư đa ngành của doanh nghiệp Viêt Nam vào những năm 2007-2009 đã “giết” hàng loạt các tập đoàn nhà nước, tập đoàn tư nhân lớn, công ty lớn. Giai đoạn này, các tập đoàn lớn đã được các tổ chức tín dụng sẵn sàng tài trợ những khoản vay lớn và phát hành cổ phiếu để tăng vốn khá dễ dàng. Một nguồn vốn lớn huy động dễ dàng đã được đem đi đầu tư một các dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 năm sau đó vào những năm (2011 -2012) hầu hết các tập đoàn đầu tư đa ngành đã bộc lộ sự yếu kém, các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gần như không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn.
Trong vòng hai năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải thực hiện các kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp. Thế nhưng, gần đây một số doanh nghiệp niêm yết lại có vẻ ưa thích đầu tư đa ngành.
Gemadep (GMD) một công ty về cảng biển vừa công bố chính thức được cấp phép trồng cây cao su tại Campuchia; FIT một công ty về đầu tư vừa công bố thành lập công ty bán lẻ (FIT Retail), công ty bất động sản (FIT Land). Trong khi HAG một tập đoàn đã di chuyển từ bất động sản sang cao su, sang chăn nuôi bò, sang sản xuất phân bón đã đưa cổ phiếu HAG về dưới mệnh giá.
RiskInfo.vn nhận thấy rằng: Đa số các tập đoàn lớn ở Việt Nam thất bại trong việc đầu từ đa ngành đều là do năng lực quản lý kém, tưởng rằng việc đầu tư là dễ dàng, không am hiểu, kiểm soát được lĩnh vực mà doanh nghiệp đầu tư, thậm chí các nhà quản lý tranh thủ rút tiền của cổ đông, của ngân hàng thông qua các hình thức đầu tư .
Ngoài ra, việc một công ty mở rộng đầu tư ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề cốt lõi, một công ty đang yếu mà vẫn tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh mới ở thời điểm này chứng tỏ rằng công ty đó có thể đang cần một “lối thoát”, hoặc họ đang tạo lên những ma trận mà sẽ không đem lại lợi ích cho cổ đông, dòng tiền từ công ty mẹ có thể chuyển qua công ty mới thành lập nhưng không mang lại hiệu quả.
Đầu tư đa ngành có thể coi là một loại rủi ro đáng quan ngại ở Việt Nam hiện nay.