TTCK Việt Nam liên tục đón nhận hàng hóa mà chỉ nghe thôi đã thấy Sợ.

Đầu tháng 9 năm 2016, khi nghe tin 430 triệu cổ phiếu ROS của dòng họ FLC lên sàn, khỏi phải nói báo chí tốn khá nhiều giấy mực để mổ sẻ. Bởi vì, nhà đầu tư chỉ nghe tên thôi đã sợ.

Hôm nay, nhà đầu tư lại được đón nhận thông tin 330 triệu cổ phiếu TCH của dòng họ HHS sẽ niêm yết trên HOSE vào ngày 5/10/2016.

Cả hai cổ phiếu ROS, TCH đều có tốc độ tăng vốn thần kỳ trong thời gian ngắn để đạt được quy mô vốn khủng ngang ngửa với các Tập đoàn uy tín, lâu đời trên TTCK Việt Nam. Cả hai cổ phiếu đều có  “ông anh trưởng” có nét giống nhau (FLC, HHS) đã lập kỷ lục giảm giá siêu tốc từ mức giá khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu trong một thị trường tăng trưởng. Ngoài ra,  một điều rất lạ, cả hai cổ phiếu FLC, HHS lại sở hữu báo cáo tài chính với các chỉ số không hề tồi. Vậy đâu là sự thật? Thị giá cổ phiếu là sự thật, hay lợi nhuận công ty là sự thật?

Sự xuất hiện của ROS hay TCH có lẽ như một sự thử thách nhà đầu tư giá trị trước cám dỗ “ngọt ngào”. ROS đã có mức tăng giá 100% kể từ ngày niêm yết chưa đầy 1 tháng, nhưng mấy ai dám nhảy vào. Chỉ những nhà đầu tư đã được nếm trải sự thua lỗ từ cổ phiếu kiểu như FLC, HHS, FIT, TSC, HAI, v.v mới đủ lý trí để phớt lờ cám dỗ của ROS hay TCH trong tương lai.

Chúng ta lấy gì để đặt niềm tin vào một đội ngũ lãnh đạo khi họ không đủ khả năng làm cho đứa con trưởng (FLC, HHS) trở nên tốt đẹp, thậm chí họ tự giết chết giá trị của chúng thì làm sao những đứa con mới sinh ra có thể tốt hơn anh/chị của chúng.

Điều tốt nhất là không quan tâm đến những cổ phiếu có chung đội ngũ lãnh đạo đã gây thiệt hại đáng kể cho cổ đông. Chỉ cần không quan tâm đến nhóm cổ phiếu này là bạn đã chiến thắng 50% ở TTCK Việt Nam.

imageshhs

P/S: Chúng tôi đã từng có bài viết HHS vào 22.6.2016 (khi đó HHS vẫn đang ở đỉnh cao)

HHS lặp lại lịch sử tạo lợi nhuận “ảo”?
Vào thời kỳ năm 2009 xuất hiện hiện tượng lợi nhuận đột biến do định giá lại tài sản, hay mua bán sáp nhập doanh nghiệp với giá mua rẻ hơn so với giá trị được định giá tạo ra một khoản lợi nhuận từ lợi thế thương mại. Trường hợp điển hình ở thời điểm dó là của GMD, KDC. Hiện tượng này gần như không còn xuất hiện trong những năm gần đây,có lẽ một phần doanh nghiệp đã nhận ra mặt trái của nó.
Trên thực tế việc một công ty A mua công ty B với giá rẻ hơn giá trị được một tổ chức độc lập định giá cho công ty B, được kiểm toán của công ty A chấp nhận thì công ty A sẽ ghi nhận một khoản lợi nhuận bằng đúng chênh lệnh giá mua và giá trị được định giá. Tuy nhiên, rõ ràng lợi nhuận này chỉ mang tính chất mô phỏng giá trị doanh nghiệp trên báo cáo khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Khoản lợi nhuận này rõ ràng không phải là một khoản tiền thật.
Như vậy với trường hợp của Hoàng Huy, Quý 1/2015 ghi nhận gần 120 tỷ đồng lợi nhuận do lợi thế thương mại từ việc mua rẻ công ty Hoàng Giang thì đây cũng chỉ khoản tiền lợi nhuận ảo, không tạo ra dòng tiền thật . Mặt trái của nó là khoản lợi nhuận ảo này sẽ phải phân bổ dần vào chi phí khi lập báo cáo hợp nhất cho các năm tiếp theo. (Đây gọi là hiện tượng “ăn” trước lãi).
Để có cái nhìn thực tế, lợi ích thực sự thuộc về cổ đông chỉ được xem xét trên lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất chỉ mang tính chất mô phỏng giá trị tương lai, nó thực sự được hiện thực hóa khi các công ty con trả cổ tức cho công ty mẹ, còn lợi nhuận do lợi thế thương mại đem đến nó mãi mãi nằm trên báo cáo tài chính hợp nhất và chỉ là một con số làm đẹp báo cáo tài chính mà không ai được hưởng lợi thực sự.
HHS không thể đại diện cho một doanh nghiệp phát triển bền vững, bởi vì HHS chỉ là đơn vị trung gian nhập khẩu hàng hóa, ở một thời điểm nhất định nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng, làm cho lợi nhuận tăng. Một công ty có thể được chọn là thuộc nhóm trưởng bền vững thì điều kiện đầu tiên phải là những công ty tự sản xuất, tự tạo ra những sản phẩm cho thị trường”.